DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Phát huy Lợi thế của tỉnh Hòa Bình trong phát triển du lịch

29/11/2022 595 0

Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, tiếp giáp với vùng đồng bằng
sông Hồng, nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc, Hòa Bình tiếp giáp với thủ đô Hà Nội; đặc biệt có tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường QL 6 chạy qua địa bàn tỉnh, khiến cho việc kết nối giữa Hoà Bình với các tỉnh trong khu vực khá thuận lợi. Vị trí địa lý của Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế du lịch hiện tại và trong tương lai. 

 

   

Khu nghỉ dưỡng Serena Resort tại Kim Bôi

Tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 01 thành phố: Thành phố Hòa Bình và 9 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy. Hòa Bình có diện tích tự nhiên là 4.595,2 km2 với trên 87 vạn người với 7 dân tộc cùng chung sống là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa... trong đó hơn 63% dân số là người dân tộc Mường, mỗi dân tộc đều có nét độc đáo về bản sắc văn hoá, cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Hoà Bình là nơi có tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. 

Hòa Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp. Trên địa bàn tỉnh có hơn 100 di tích, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó 41 di tích cấp quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh và nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình”; có những thắng cảnh đẹp hấp dẫn du khách như Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; quần thể hang động khu di tích Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa và động Nam Sơn huyện Tân Lạc…Hòa Bình có 04 Khu bảo tồn thiên nhiên là Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò, vùng tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Ba Vì rất đa dạng về sinh học, hệ động thực vật phong phú,... có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ,… có tiềm năng phát triển những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh hấp dẫn. Hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo lớn nhỏ tạo nên phong cảnh sông nước hữu tình có tiềm năng phát triển lịch đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia. Mai Châu có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng với bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đây là những lợi thế để phát triển du lịch.

     

Bản sắc văn hóa truyền thống là tài nguyên quý giá

 để phát triển du lịch tại Hòa Bình

Hòa Bình đã xây dựng được những khu, điểm du lịch có thương hiệu, được đông đảo du khách biết đến như Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu. Các khu nghỉ dưỡng như Serena Resort (Kim Bôi), Hideaway Resort, Mai Chau Ecolodge, Ban Khan village Resort, Avana Retreat (Mai Châu), Sân Golf Phượng Hoàng (Lương Sơn), sân golf Hill top valley đang là những địa chỉ được du khách yêu thích. Đặc biệt, hồ Hòa Bình với dung tích trên 9 tỷ m3 nước, là khu vực có tài nguyên du lịch phong phú đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Toàn tỉnh hiện có 434 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 6000 buồng, hơn 300 tàu vận chuyển khách du lịch trên Hồ Hòa Bình. Giai đoạn 2016-2020 đã thu hút được trên 40 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 15.237 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại tỉnh Hòa Bình có trên 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, chiếm 12,2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.000 tỷ đồng. Du lịch Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tới năm 2025, tỉnh Hòa Bình dự kiến đón khoảng 4,9 triệu lượt khách; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; Đến năm 2030 dự báo Hòa Bình đón 7,3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trong thời gian tới, Tỉnh Hòa Bình tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung cụ thể sau: (1) Xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc để thu hút khách du lịch. (2) Phát triển du lịch phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm như: Du lịch văn hóa; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh. (3) Huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp các bến cảng du lịch, bến thuyền để đón tiếp khách du lịch. (4) Tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngòi nước đến  nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn... Đặc biệt mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập dự án được quy hoạch tại 06 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035. 

Với những lợi thế và định hướng phát triển như trên của tỉnh Hòa Bình, có thể nói, Hòa Bình là một vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao và du lịch nghỉ dưỡng. Hòa Bình là lựa chọn hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm, triển khai các dự án quy mô của những doanh nhiệp lớn trên thị trường như: Vingroup, Tập đoàn An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Beru Group, Công ty Archi Reenco Hòa Bình, Tập đoàn Sun Group…

Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới nghìn tỷ đồng. Một số dự án kể đến như: Ivory Villas & Resort; La Saveur Hòa Bình; Legacy Hill Hòa Bình; Làng Sinh Thái Việt Xanh; Viên Nam Resort; Sakana Spa & Resort; Apec Kim Bôi – Apec Mandala Sky Villas Hòa Bình; khu đô thị Việt Âu; Para Hills Resort; Cullinan Resort; …. mang đến những cơ hội gia tăng giá trị cao, hấp dẫn giới đầu tư.

Trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình cũng công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô hơn 52.000 ha. Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các các cơ quan liên quan tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch. Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này. Đây là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Với những lợi thế về quỹ đất cũng như giao thông thuận lợi, giá trị của bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên tươi đẹp và môi trường trong lành. Tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng; tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch. Năm 2019, thời điểm dịch Covid19 chưa bùng phát, Hòa Bình đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách, trong đó bao gồm hơn 400.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu hơn 2.200 tỷ VNĐ; Năm 2022, mặc dù ảnh hưởng do đại dịch covid 19, nhưng Hòa Bình ước đón khoảng ba triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 100.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt  trên 3.000 tỷ đồng, hoạt động du lịch đã cơ bản phục hồi và tăng trưởng. Các khu nghỉ dưỡng như Avana Resort, Mai Chau Ecolodge; Ba Khan Village Resort (Mai Châu), Serena Resort (Kim Bôi), Ivory Resort (Lương Sơn), sân Golf Phượng Hoàng, San Golf Hill Top Valley... luôn là những điểm đến an toàn, thân thiện và thu hút khách.

Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là liên kết với thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài để mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, phát huy tối đa các lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến an toàn, điểm đến xanh, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm và đến Hòa Bình để khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên, doanh nghiệp và tỉnh Hòa Bình.

Related Post

Sample Plan