Di sản văn hóa bao gồm Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể, đó là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kinh tế, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình là một trong những tài nguyên để phát triển du lịch. Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã dựa vào nguồn tài nguyên này, xây dựng nên những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Năm 2019, Trước khi bị ảnh hưởng của địa dịch Covid 19, toàn tỉnh Hòa Bình đã đón gần 3,2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 400 ngàn du khách quốc tế. Năm 2022, du lịch Hòa Bình đã hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, chín tháng đầu năm, tỉnh đã đón trên 2 triệu lượt khách, dự báo sẽ hoàn thành mục tiêu đón 2,6 triệu lượt trong năm nay.
Trong quá trình phát triển, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Có thể nói nếu du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hoá ở mỗi địa phương. Nhưng nếu du lịch chỉ khai thác mà không chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hoá thì các giá trị văn hoá không được khai thác phục vụ cho đời sống một cách thiết thực, bản sắc văn hóa truyền thống sẽ bị hòa tan. Do đó, việc quan tâm đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy tốt các di sản văn hoá phục vụ cho hoạt động du lịch nói riêng, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung là một vấn đề vô cùng cấp thiết hiện nay.
Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài nguyên quý giá để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hòa Bình
Hòa Bình với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, có nguồn tài nguyên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất phong phú. Trong các loại hình di sản văn hóa ở Hòa Bình, có những giá trị di sản mang tầm vóc thế giới, được thế giới tôn vinh. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình, hiện có 786 di sản thuộc 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến nay, Hòa Bình có 102 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó có 41 di tích cấp quốc gia; 61 di tích cấp tỉnh, bốn di sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia là Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường, Tri thức dân gian Lịch Tre dân tộc Mường, Lễ hội Khai Hạn Mường Bi. Những giá trị văn hóa đặc trưng như: Lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, tín ngưỡng, tập quán xã hội… mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là những tài sản vô giá chung của tỉnh và là tài nguyên cho ngành du lịch khai thác, tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Di sản văn hoá và hoạt động phát triển du lịch có mối quan hệ hữu cơ
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp khai thác được được các giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Đứng từ góc độ này, kho tàng di sản đồ sộ ở cả loại hình vật thể, phi vật thể cùng hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa phong phú, dày đặc của Hòa Bình chính là nguồn tài nguyên du lịch lớn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các địa phương trong tỉnh mà còn giữa Hòa Bình với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Để khai thác những giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững, đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy được giá trị di sản cho thế hệ tương lai là bài toán không hề đơn giản đối với nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hòa Bình. Nếu biết quản lý, sử dụng đúng hướng, di sản sẽ là nguồn lực lớn mang đến lợi ích lâu dài, bền vững cho du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Từ thực tiễn bảo tồn di sản văn hóa và hoạt động du lịch của tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua còn có nhiều bất cập, các di sản văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, hoặc có đầu tư nhưng lại vắng bóng du khách, song song với việc xây dựng các công trình hoành tráng như các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống đền, chùa, thì diện tích rừng có nguy cơ dần thu hẹp, nhiều dãy núi bị tàn phá, ô nhiễm nguồn nước và cùng với đó là sự biến đổi hệ sinh thái tự nhiên cũng như môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư trong các làng bản. Chúng ta cần đặt ra phương hướng bảo tồn tích cực các giá trị văn hóa để hướng tới phát triển bền vững.
Một tiết mục trình diễn tại Carnival Hòa Bình 2022