DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái huyện Mai Châu được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

27/12/2023 31/12/2023

352 0

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3436/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/11/2023 về công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Theo đó, đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.

Người Thái huyện Mai Châu trình diễn các làn điệu Keng Loóng trong các dịp lễ hội truyền thống của dân tộc

Keng Loóng là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian rất độc đáo, gắn liền với sự tồn tại, phát triển của người dân tộc Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sinh hoạt văn hóa Keng Loóng có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống văn hóa người Thái Mai Châu, phản ánh đặc điểm xã hội, đời sống tâm linh và thực hành tín ngưỡng, vì thế, hiện tượng này mang nhiều giá trị văn hóa. Người Thái là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên sinh hoạt văn hóa Keng Loóng gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp của họ từ sớm.

Ngoài chức năng là một công cụ lao động, Loóng là một loại nhạc cụ độc đáo. Trải qua thời gian dài gắn liền với đời sống người Thái, sinh hoạt văn hóa Keng Loóng đã trở thành một hình thức nghệ thuật. Trong đó đã định hình các yếu tố như cơ cấu tổ chức người diễn tấu, điều kiện diễn tấu, phương thức, kỹ thuật diễn tấu, nguyên tắc âm nhạc, bài bản. Tất cả yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên những âm hưởng giàu cảm xúc, cuốn hút người nghe, thể hiện tài năng của người Keng Loóng.  

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu là Di sản văn hóa phi vật thể mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. Các yếu tố như: Tính cộng đồng, cộng cảm; sự gắn kết với thiên nhiên cùng kết cấu vật chất văn hóa cư trú làng, bản - nhà sàn; lễ thức, nghi lễ truyền thống. Ba yếu tố này luôn song hành cùng nhau làm nên nét độc đáo trong không gian sinh hoạt văn hóa Keng Loóng.

Sinh hoạt văn hóa Keng Loóng có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái, thời gian qua nghệ thuật trình diễn dân gian này đã trở một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của cộng đồng dân tộc Thái nơi đây. Hình thức trình diễn dân gian này không chỉ để phục vụ cho các hoạt động kinh tế, xã hội mà đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi thế hệ người dân trên vùng đất này.

Việc đưa loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo này vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình mà còn giúp huyện Mai Châu - chủ thể của di sản có chính sách cụ thể để gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị và tăng cường quảng bá, giới thiệu, góp phần phát triển du lịch địa phương. 

Bùi Văn Nam 

 Phòng Quản lý văn hóa

Bản đồ

Lịch trình mẫu