DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Hòa Bình phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

31/12/2023 483 0

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp, Hòa Bình còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, với 109 di tích, trong đó có 41 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với ẩm thực phong phú, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo cùng nhiều lễ hội dân gian từng bước trở thành thương hiệu du lịch của Hòa Bình như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi - Tân Lạc; Lễ hội Xên Bản Xên Mường của dân tộc Thái; Tết Nhảy, lễ cấp sắc của người Dao (Đà Bắc); Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông (Mai Châu)… Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch gắn với văn hóa. 

Nhằm đẩy mạnh và phát huy tiềm năng, bản sắc văn hóa của các dân tộc, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tại quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 20/08/2021. Theo đó, mục tiêu chung trong giai đoạn này là phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế múi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng… phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với phát huy văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương và xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng…

 Xác định phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng là thế mạnh, có khả năng thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Một số làng văn hóa du lịch đã và đang khai thác hiệu quả và thu hút nhiều du khách đến tham quan. Mai Châu là huyện khai thác khá hiệu quả tiềm năng về văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, huyện nổi tiếng với nhiều bản du lịch cộng đồng của người Thái như: bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu) bản du lịch của người Mông tại xã Hang Kia, Pà Cò; huyện Đà Bắc có bản du lịch cộng đồng xóm Xưng, xã Cao Sơn; huyện Tân Lạc có bản du lịch cộng đồng xóm Chiến, xã Vân Sơn… Tại các bản du lịch cộng đồng, người dân đã giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc từ kiến trúc nhà, trang phục, ẩm thực. Việc đưa người dân cùng làm du lịch, cùng bảo tồn văn hóa, khai thác dịch vụ và giới thiệu các điểm đến giúp du khách thoải mái hơn, được chia sẻ, trải nghiệm đầy đủ hơn, góp phần đưa du lịch phát triển ngày càng bền vững. Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng Giám đốc điều hành Chi nhánh công ty Viettran tour tại Hòa Bình chia sẻ “Thay vì chọn khách sạn cao cấp năm nay khách hàng bên anh khi đến Hòa Bình đang có xu hướng lựa chọn ở các homestay. Lựa chọn này không chỉ đơn thuần để lưu trú, mà du khách muốn được tham quan, trải nghiệm, được tìm hiểu về văn hóa, tập quán, cách sinh hoạt của người dân địa phương nơi đây”.

Trải nghiệm gói bánh Ốc - bánh truyền thống của người Mường Au Tá, Đà Bắc

Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, cách làm này không những góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập mà còn là cách gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc như: dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; nghề làm giấy giang của người Mông xã Pà Cò (Mai Châu); dệt thổ cẩm, nhuộm chàm và in sáp ong của người Dao, huyện Đà Bắc. Tại các homestay ở bản Lác (xã Chiềng Châu), hay homestay A Páo xã Pà Cò (Mai Châu), các vật dụng sinh hoạt được gia chủ sử dụng bằng đồ dệt thổ cẩm như: làm gối, chăn, khăn trải bàn; hay dùng giấy giang làm đèn lồng, vẽ tranh trang trí trong nhà… Đây cũng là một  điểm nhấn, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc tại các Homestay này.

Ngoài ra các homestay còn chú trọng việc tổ chức, làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ như đi cấy, đi gặt, câu cá, nấu ăn, gói bánh, ngâm chân thảo dược, nhảy sạp, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ; hay tận hưởng không khí trong lành của vùng núi bằng cách đạp xe, đi bộ, leo đồi, chèo thuyền kayak… đã đem đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Du khách trải nghiệm cùng tham gia gặt lúa

Với nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, Hòa Bình đã và đang xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch một cách bền vững và đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

                                           

                                                                                      Thiên Tân

(Phòng Quản lý du lịch)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu