DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Gốm thời Trần trong những ngôi mộ cổ Mường ở Hòa Bình

06/12/2023 29/12/2023

252 0

Từ các di tích khảo cổ học tại Hòa Bình đã phát hiện được rất nhiều mộ táng của người Mường cổ với cấu trúc và táng thức độc đáo. Bên trong các ngôi mộ thường chôn theo nhiều đồ tùy táng. Từ đồ tùy táng được tìm thấy qua các cuộc khai quật góp phần vén mở bức màn bí ẩn về phong tục, tập quán của người Mường cất dấu suốt hàng trăm năm. Bởi những di vật này là bằng chứng trực quan mang những thông điệp từ quá khứ phản ánh chân thực đời sống, xã hội cũng như phong tục tập quán cổ xưa nơi xứ Mường, góp phần làm rõ vấn đề về niên đại, cấu trúc và táng thức của mộ Mường.

Gốm men nâu – một đặc trưng của gốm Thời Trần

(thế kỷ XIII-XIV)

Trong các đồ vật được tùy táng thì gốm sứ được xem là báu vật phản ánh nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa và xã hội của người Mường qua nhiều thời kỳ lịch sử. Trong những hiện vật gốm được tìm thấy trong Mộ Mường phải kể đến các hiện vật Gốm thời Trần.  

Gốm thời kỳ này tìm thấy trong những ngôi mộ cổ Mường có số lượng và loại hình phong phú hơn rất nhiều so với gốm thời Lý, bao gồm các dòng gốm: gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men nâu, gốm hoa nâu và gốm hoa lam. Do phát triển kế thừa trực tiếp từ gốm thời Lý, nên gốm thời Trần cơ bản có phong cách giống với gốm thời Lý cả về hình dáng, màu men và hoa văn trang trí. Tuy nhiên, gốm Trần đã phát triển theo theo xu hướng đơn giản, phổ biến với những loại gốm có hình dáng chắc khoẻ, hoa văn trang trí phóng khoáng và đường nét không cầu kỳ, tinh xảo như gốm thời Lý.

Sưu tập hiện vật nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao trong số những sưu tập đồ gốm tìm thấy trong mộ Mường vẫn là những đồ gốm hoa nâu. Trong nhiều khu mộ Mường ở vùng Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn (Hoà Bình), người ta đã đào được nhiều đồ gốm hoa nâu quý. Phẩm cấp của các đồ gốm hiếm quý này đã phần nào phản ánh tính xã hội cao của người sở hữu chúng. Tư liệu này góp phần làm rõ bức tranh về tính xã hội của một số đồ gốm cao cấp trong đời sống đương đại.  Sưu tập phong phú và đặc trưng nhất về gốm hoa nâu trong các mộ Mường là các loại bình hay thạp có dáng hình ống, có kích thước lớn, quanh thạp trang trí hoa văn rất cầu kỳ, tinh xảo. 

Mặt khác, những sản phẩm đầu tay của dòng gốm hoa lam cũng sớm có mặt trên xứ Mường mà ngày nay người ta đã đào được. Sở dĩ nói điều này vì dòng gốm hoa lam Việt Nam bắt đầu được sản xuất vào cuối thời Trần, khoảng đầu hay nửa đầu thế kỷ XIV. Nhiều khu mộ ở vùng Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc đã tìm thấy nhiều loại gốm hoa lam sớm, trong đó có nhiều loại bình, bát, đĩa, âu vẽ cành hoa cúc, văn lá trúc màu nâu sắt hay màu lam nhạt dưới men. Vào khoảng cuối giai đoạn thế kỷ XIV, trong mộ Mường cũng đã đào được những đồ gốm hoa lam rất cao cấp. 


Một số hiện vật gốm thời Trần trong mộ Mường cổ

được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình

Kiểu dáng và hoa văn trang trí thời Trần có xu hướng đơn giản và thoáng đãng hơn nhiều trong cách trang trí. Các đề tài trang trí thường thấy như  khắc hoạ sinh động cảnh đoàn người đi săn thú trong rừng với những đường nét khoẻ khoắn, giàu tính nghệ thuật, trang trí đắp nổi diềm văn cánh sen, quanh thân trang trí văn hoa sen, hoa mẫu đơn hay hoa cúc dày, được diễn tả với những đường nét tưng bừng và sống động. Nhiều tiêu bản đặc sắc còn trang trí kết hợp với hình chim, thú hay hình con người, mang vẻ đẹp độc đáo và chứa đựng tỉnh nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu hình dáng và hoa văn trên gốm hoa nâu thời Lý - Trần, các nhà nghiên cứu còn nhận ra nhiều yếu tố hoa văn của nghệ thuật trang trí trên đồ đồng Đông Sơn, có niên đại hơn 1.000 năm trước đó. Thạp gốm hoa nâu như hình thạp đồng dáng quả nhót cùng các băng hoa văn vòng tròn tiếp tuyến, văn kỷ hà, chữ S gấp khúc hay những hình người, muông thú, thủy tộc xuất hiện với tần xuất dầy qua những nét khắc vẽ sống động, đầy chất ngẫu hứng mà chúng ta đã được chiêm ngưỡng qua các mô tip trên đồ đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy, truyền thống văn hóa Đông Sơn còn được được kế thừa trong tiềm thức của các thợ thủ công Đại Việt.

Do trước đây người Mường không có chữ viết riêng, lịch sử văn hóa chủ yếu được trao truyền thông qua hình thức truyền miệng nên dựa vào những sưu tập gốm cổ được phát hiện trong mộ Mường chính là minh chứng cho một chuỗi phát triển của dòng chảy lịch sử dân tộc. Không những thế từ nguồn tư liệu gốm kết hợp với các nguồn tư liệu dân tộc học có thể hiểu rõ hơn về quan niệm của người Mường về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Thông qua hiện vật về gốm thời Trần trong các mộ Mường ta thấy rõ hơn bức tranh về đời sống kinh tế - xã hội của người Mường xưa.

Hiện tại, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang trưng bày bộ sưu tập gốm cổ với số lượng trên 250 hiện vật, nội dung trưng bày gồm hai phần chính là Lịch sử mộ Mường qua các tư liệu gốm và giới thiệu các sưu tập gốm cổ trong mộ Mường. Thông qua các nội dung trưng bày đã góp phần giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng tới, nhân dân và khách tham quan về các bộ sưu tập hiện vật gốm sứ độc đáo, đặc sắc mang thông điệp từ quá khứ, phản ánh chân thực đời sống xã hội cũng như phong tục tập quán cổ xưa nơi xứ Mường. Bộ sưu tập được xem là báu vật, phản ánh nhiều mặt về đời sống, văn hóa, trong xã hội xưa và sự giao lưu văn hóa, kinh tế của người Mường qua nhiều thời kỳ lịch sử. Cuộc trưng bày đã thu hút sự quan tâm đông đảo của khách tham quan, nhân dân và các em học sinh, sinh viên trong và ngoài thành phố Hòa Bình. Theo kế hoạch, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình sẽ mở cửa cho khách tới tham quan chuyên đề sưu tập gốm cổ này từ ngày 23/11/2023 đến khi có đợt trưng bày tiếp theo để phục vụ rộng rãi du khách.

Bản đồ

Lịch trình mẫu