DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Rực rỡ sắc màu chợ phiên Pà Cò

30/12/2023 533 0

Ngày nay, giữa nhịp sống hiện đại, các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đang dần thay thế cho các loại hình chợ truyền thống. Thế nhưng, chợ phiên Pà Cò ở Mai Châu không chỉ giữ nguyên được sức sống mà còn trở thành không gian văn hóa, là điểm đến được đông đảo bà con trong vùng và du khách khắp nơi yêu thích ghé thăm. 

Chợ phiên Pà Cò cách thị trấn Mai Châu gần 40km về phía Bắc, nằm giữa trung tâm ba xã: Hang Kia, Pà Cò của huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và xã Loóng Luông (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Theo truyền thống, chợ phiên Pà Cò chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, thế nhưng ngay từ sáng sớm, chợ đã tập nập kẻ bán người mua. Có những gia đình ở xa, để kịp xuống chợ, bà con phải đi từ 4 – 5 giờ sáng, khi mặt trời còn chưa ló rạng, vượt qua bao mỏm đá tai mèo mà trong lòng vẫn náo nức, xốn xang. 

Chợ Pà Cò – Một chơ phiên lâu đời tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình 

(Ảnh: Sưu tầm)

Tại chơ phiên, người ta bày bán đủ thứ, từ các loại loại rau, củ, quả nhà trồng được đến các loại gia súc, gia cầm hay nông cụ: cày, cuốc, xẻng, dao … phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Hàng hóa đơn sơ là vậy, nhưng đến chợ phiên Pà Cò, du khách sẽ được tận hưởng một không khí vô cùng đặc biệt, tiếng ồn ào, tiếng người mua bán, trả giá xen lẫn tiếng nói cười khiến không gian chợ bừng lên sức sống mãnh liệt giữa núi rừng bình yên.

 

pa-co-ivivu-20

Các sản phầm thủ công do người dân tự làm và đem bán tại chợ

 (Ảnh: Sưu tầm)

Bày bán nhiều nhất ở chợ phải kể đến mặt hàng vải thổ cẩm và các phụ kiện để làm nên một bộ trang phục truyền thống của người Mông. Chắc có lẽ ít du khách biết được, để làm nên một bộ váy truyền thống, nếu tự làm tất cả các khâu, người phụ nữ Mông phải mất đến một năm mới có thể hoàn thành. Bởi vậy, để đơn giản hơn, ngày nay, phụ nữ Mông thường chọn cách, mua sẵn các phụ kiện về để may thành trang phục. Bên cạnh đó, chợ cũng bày bán cả những bộ váy Mông đã được may hoàn chỉnh, tuy thế những bộ trang phục này thường có giá thành rẻ hơn bởi chất liệu và hoa văn in trên vải đều được sản xuất đồng loạt theo quy trình công nghiệp. Những bộ trang phục này chủ yếu được phụ nữ Mông sử dụng thường ngày, còn trong các dịp đặp biệt như lễ, tết, hội hè, người phụ nữ Mông thường chọn những bộ trang phục truyền thống do chính tay mình làm ra với hoa văn được trang trí tỉ mỉ, cầu kỳ, thể hiện đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người phụ nữ Mông.

 

Thổ cẩm là mặt hàng được bày bán nhiều nhất tại chợ

 (Ảnh: Sưu tầm)

Là chợ phiên lâu đời, chợ phiên Pà Cò không chỉ thu hút bà con trong vùng, mà rất đông đồng bào từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai cũng về đây trao đổi, buôn bán, giao lưu, mỗi phiên chợ lại như một ngày hội văn hóa với đầy đủ các sắc màu hoa văn rực rỡ. Ngoài mặt hàng thổ cẩm, chợ phiên Pà Cò còn có cả ẩm thực dân tộc. Quây quần bên những nồi thắng cố, những người đàn ông Mông cùng nhau thưởng thức chén rượu ngô đậm đà hương vị men lá, phụ nữ Mông say sưa trao đổi tâm tình sau những ngày bận rộn vì công việc gia đình không có dịp gặp lại.

Thuận cung đường, du khách có thể ghé thăm các điểm du lịch thú vị lân cận đó: điểm du lịch cộng đồng bản Lác, bản Poom Cọng, Hang Kia, Pà Cò …, cao cấp hơn thì có các resort: Mai Châu Ecolodge, Mai Châu Hideaway, Mai Châu Retreat … đều là những điểm đến tí tưởng, nhất định phải trải nghiệm khi đến Mai Châu.

   Lam Châu 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu