DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Trải nghiệm không gian văn hóa Chiêng Mường tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường

30/12/2023 511 0

Bảo tàng Di sản văn hóa Mường Hòa Bình là địa chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa, nét đẹp của người dân tộc Mường ở Hòa Bình, là nơi để du khách có dịp tham quan, khám phá thêm về nền văn hóa dân tộc khi đến thăm Hòa Bình.

Bảo tàng Di sản văn hóa Mường

Không gian bảo tàng mang đến cho du khách có thêm những cảm nhận sâu sắc về đời sống tinh thần, phong tục tập quán, kinh tế - xã hội, văn hóa đặc trưng của người Mường qua nhiều thế kỷ. Nổi bật tại Bảo tàng là bộ sưu tập chuyên đề về chiêng Mường gồm các loại chiêng, dòng chiêng Mường với tổng số trên 100 chiếc. Ngoài việc trưng bày hiện vật, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường còn là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động dịch vụ du lịch, văn hóa, trải nghiệm và là nơi để tổ chức các lớp truyền dạy cách sử dụng Chiêng Mường cho thế hệ trẻ.


Bộ sưu tập chiêng Mường quý hiếm được trưng bày tại Bảo tàng

Chiêng là một dạng nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình. Trải qua hàng ngàn năm phát triển và định hình một dàn chiêng (gọi là phường sắc bùa của người Mường), phải có từ 4, 5, 7, 9 chiếc, hoàn chỉnh bộ phải đủ 12 chiếc. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, dàn chiêng 12 chiếc còn được quan niệm của sự biểu hiện cho 12 tháng trong một năm. Dàn chiêng được chia đều ra làm ba bộ: Bộ chiêng Dàm còn gọi là chiêng Khầm có kích thước lớn thuộc âm khu trầm nhất trong dàn. Bộ chiêng Bồng còn gọi là chiêng Đục bồng, chiêng Bòng beng, thuộc âm khu trung trong dàn. Bộ chiêng Tlé còn gọi là chiêng Chót, chiêng Poóng, chiêng Đón, chiêng Lắc, thuộc âm khu cao nhất trong dàn.

Không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc Mường.

Người Mường sáng tác được các bản nhạc chiêng, tổ chức được các dàn chiêng sắc bùa, một phương thức đánh chiêng, trình tấu âm nhạc cồng chiêng phù hợp với tâm lý, tính cách đặc trưng văn hoá Mường. Âm nhạc nền nếp, giai điệu, hòa thanh chuẩn mực. Động tác, đội hình chuyển động thướt tha giầu mỹ cảm. Phương thức hòa tấu, trình tấu âm nhạc cồng chiêng theo dàn, mỗi nghệ nhân cầm 1 chiếc chiêng vừa mang tính gia đình vừa mang tính cố kết cộng đồng dân tộc. Khi nền sản xuất của cải vật chất xã hội phát triển, trí tuệ, tình cảm phát triển cao hơn thì âm nhạc chiêng và không gian văn hoá chiêng cũng được thể hiện mạnh mẽ sâu sắc và với phương thức trình diễn linh hoạt, cởi mở từ dàn chiêng nhỏ đã được phát triển lên những dàn chiêng hoành tráng, phối hợp với nhiều hình thức văn hoá - nghệ thuật khác tạo một nền âm nhạc, một không gian văn hóa chiêng đương đại ngày càng kết nối và phổ rộng hơn. 

Xuất phát từ sự gần gũi máu thịt của Chiêng đối với cộng đồng dân tộc Mường, sự ảnh hưởng và sự lan toả của không gian văn hoá chiêng Mường được thể hiện bằng tâm hồn, sức mạnh của làng Mường, đa dạng, phong phú mang sắc thái riêng đã in sâu, hoà đậm trong đời sống học tập, lao động, chiến đấu của cộng đồng, làng xóm, của từng gia đình và theo suốt vòng đời của mỗi người con đất Mường. Với khả năng biểu hiện tư tưởng, tình cảm, ước mơ của con người Chiêng Mường có giá trị giáo dục tư tưởng tình cảm, ước mơ, lý tưởng thẩm mĩ về một cuộc sống đầm ấm, vui tươi, ấm no, hạnh phúc. Thỏa mãn những ước mơ về một xã hội lành mạnh hướng tới cái chân, thiện mĩ của con người. 

Để cảm nhận và trải nghiệm chân thật hơn về di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật chiêng Mường hãy đến với Bảo tàng Di sản văn hóa Mường tại tổ 6, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình./.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu