DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm độc đáo gắn với phát triển du lịch tại Hang Kia - Pà Cò

18/06/2025 38 0

Dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông hai xã Hang Kia, Pà Cò. Vào những dịp lễ, Tết, các chàng trai, cô gái người Mông diện những bộ quần áo, váy thổ cẩm, đeo vòng bạc trắng rộn rã cùng nhau đến những phiên chợ, vườn mận, đào thắm sắc hoa để trò chuyện, gặp gỡ. Sắc màu rực rỡ, hoa văn thổ cẩm bắt mắt trên những chiếc áo, váy tạo sức sống tinh thần, điểm nhấn đặc biệt trong văn hóa đồng bào dân tộc Mông.

Phụ nữ xã Pà Cò, huyện Mai Châu khéo léo thêu tay những hoa văn thổ cẩm tinh tế.

Theo phong tục của người Mông, nghề dệt thổ cẩm được truyền từ mẹ cho con gái, từ đời nọ sang đời kia. Bằng đôi bàn tay khéo léo, phường phụ nữ Mông đã dệt nên những sản phẩm độc đáo với những họa tiết, hoa văn tinh tế biểu đạt giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông. Thổ cẩm của người Mông được dệt chủ yếu từ sợi lanh. Bà Mùa Y Gánh, Trưởng làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Pà Cò cho biết: Người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh thành sợi để dệt vải phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình. Để làm ra một tấm vải lanh phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc bắt đầu trồng cho đến khi lanh được cắt từ rừng về phơi khô, giã cho mềm rồi mới nối. Tiếp đến, người ta mắc các sợi lanh vào khung và quay cho chúng cuốn lại thành từng cuộn. Sau đó, đem cuộn sợi này luộc vào nước tro trong để sợi lanh có màu trắng rồi để cho khô sợi. Khi sợi đã chuẩn bị xong, đồng bào dân tộc Mông sẽ dệt vải trên một khung cửi. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp chàm bám chắc hơn khi nhuộm, chị em giặt, phơi cẩn thận và mang đi lu cho mặt vải bóng mịn.

Khách du lịch mặc trang phục Mông chụp ảnh tại Pà Cò.

 Khi đã có tấm vải lanh trắng mịn, tùy theo mục đích sử dụng, người dân sẽ chuyển sang công đoạn vẽ sáp ong trên vải. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay sao cho lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Khi vải đã đạt yêu cầu, người ta đem nhuộm chàm, thêu hoa văn, ghép vải thành những sản phẩm trang phục váy áo, khăn, túi...Đối với người Mông, mỗi họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục đều có ý nghĩa riêng, biểu đạt cho giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân như: thêu chữ lên y phục để giữ lại chữ viết; thêu họa tiết ốc sên lên áo, váy để cầu mong cuộc sống no ấm hơn; thêu hình xoắn ốc để thể hiện guồng quay cuộc sống; hoa văn quả trám với bốn hình xoắn ốc biểu tượng cho tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng; hoa văn dương xỉ và hàng rào đặt cạnh nhau thể hiện cách bố trí không gian sống của người Mông.

Việc gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp đồng bào Mông bảo tồn bản sắc văn hóa, mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch bền vững. Khi nghề truyền thống được “thổi hồn” bằng những trải nghiệm du lịch, Hang Kia - Pà Cò không chỉ giữ được hồn cốt bản làng, mà còn tạo thêm sinh kế cho người dân ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ những bộ quần áo, chiếc túi xách, ví, mũ lưỡng trai, khăn quàng, túi đựng điện thoại sẽ góp phần níu chân du khách khi tới Hang Kia - Pà Cò. 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu