DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Lễ hội Khai mùa mường Thàng, Cao Phong

20/09/2024 19 0

Là một trong bốn vùng mường lớn của tỉnh, mường Thàng – Cao Phong không chỉ có những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giàu truyền thống văn hóa với những lễ hội, phong tục tập quán độc đáo, đặc sắc, một trong số đó phải kể đến Lễ hội Khai mùa Mường Thàng.

Lễ hội Khai mùa Mường Thàng được tổ chức trên cơ sở tái hiện lễ xuống đồng của dân tộc Mường. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp tháng Giêng Âm lịch với quy mô cấp huyện, mang đậm tín ngưỡng dân gian với nhiều lễ nghi truyền thống và phần hội vui tươi, đặc sắc.

D:\1. Sở Văn hóa\Năm 2024\4. Bài đăng Website\3. Cổng DL thông tminh\z5732599957672_72755e2e3b88fa594e5bff92f791c898.jpg

Quảng cảnh Lễ hội Khai mùa Mường Thàng năm 2024

Lễ hội được bắt đầu bằng lễ cúng Tam vị Tản viên Sơn Thánh tại Miếu Cả Mường Thàng (xóm Đỏng Ngoài); lễ cúng tại mộ Công chúa triều Lê – Người đã dạy cho người dân mường Thàng biết trồng bông, dệt vải, trồng lúa nước và xây dựng mối đoàn kết giữa miền xuôi và miền ngược; lễ rước kiệu Thành Hoàng từ Miếu Cả, Mường Thàng về sân vận động xã Dũng Phong. Tại đây, khi hồi chiêng và nhạc tế vừa dứt, thày Mo chậm rãi bước lên đọc lời cúng xin phép cho mở hội và ôn lại áng Sử thi Đẻ đất, Đẻ nước nổi tiếng của người Mường.

D:\1. Sở Văn hóa\Năm 2024\4. Bài đăng Website\3. Cổng DL thông tminh\z5732599956739_40098edd125a5f3bcc6b327629191d69.jpg

Một Đoàn rước trong Lễ hội 

Để công tác tổ chức được chu đáo, ngay từ rất sớm các thành viên đã có mặt để chuẩn bị các khâu, ai cũng tận tâm thực hiện các phần việc được phân công và mong muốn bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh, các vị thổ thần, thổ công, thổ địa, các vị Thành hoàng đã phù hộ cho bản mường một năm mưa thuận, gió hòa, gặp nhiều may mắn. Đồng thời, gửi gắm ước nguyện, sang năm mới dân làng cấy cày được thuận lợi, nhà nhà được khỏe mạnh, no đủ, yên vui.

Cùng chung không khí chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, dân bản cũng nô nức sắm sửa cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, hòa vào dòng người đổ về các địa điểm để hành lễ và tham gia các phần hội vui.

Phần hội diễn ra ấn tượng, trước tiên là các tiết mục nghệ thuật trên sân khấu, tái hiện lịch sử của lễ hội; giới thiệu những đặc trưng văn hóa, sản vật tiêu biểu của địa phương. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian với những nội dung phong phú, đa dạng như: Thi hát thường rang, bộ mẹng, thi trình tấu chiêng Mường, ẩm thực; thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn… thu hút được nhiều người dân và hàng ngàn du khách đến tham dự.

Có thể nói, Lễ hội Khai mùa đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân mường Thàng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, là dịp thuận lợi để nhân dân được tham gia hưởng thụ, gìn giữ và phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.

D:\1. Sở Văn hóa\Năm 2024\4. Bài đăng Website\3. Cổng DL thông tminh\z5732600000364_c18dc9a50cab5efb73ba39fbe17d08d9.jpg

Các trò chơi, điệu múa dân gian tổ chức trong Lễ hội 

được nhân dân hào hứng tham gia 

Mường Thàng (huyện Cao Phong) là vùng đất cổ, là một trong bốn vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động ), cứ mỗi độ Tết đến Xuân về khắp các bản Mường lại ngân vang tiếng chiêng báo hiệu lễ hội khai mùa, cầu chúc một năm mưa thuận gió hòa, nông dân sản xuất thành công, nhà nhà no ấm, xóm làng bình yên.

Lễ hội cũng là dịp tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; huy động các nghệ nhân, nhân dân tạo không khí vui tươi lành mạnh. Lễ hội đã tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia được hưởng thụ, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa tâm linh, quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của nhân dân các dân tộc vùng Mường Thàng.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu