Hàng năm, lễ hội Chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy là một trong những lễ hội lớn được khai hội đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Lễ hội Chùa Tiên thường được khai hội vào ngày mồng 4 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống mang tính lịch sử lâu đời đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương và du khách gần xa, mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt của người Mường.
Hàng năm, lễ hội Chùa Tiên thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái.
Gọi là lễ hội Chùa Tiên nhưng đây là lễ hội chung cho cả quần thể di tích Chùa Tiên mà địa điểm chính được đặt tại Chùa Tiên. Quần thể khu di tích Chùa Tiên bao gồm hơn 20 điểm di tích: di tích lịch sử văn hóa, di tích thắng cảnh, di tích khảo cổ. Mỗi loại hình di tích mang những giá trị văn hóa riêng biệt. Khám phá di tích khảo cổ du khách sẽ được tìm hiểu về nền Văn hóa Hòa Bình - nền văn hóa của thời đại đá trong lịch sử phát triển của loài người. Đến với di tích lịch sử văn hóa du khách sẽ được tìm hiểu và chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ truyền, thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần được thờ trong di tích. Khám phá di tích thắng cảnh du khách sẽ được thưởng ngoại và thám hiểm thế giới nhũ đá thần kỳ của tạo hóa.
Tại lễ hội diễn ra các nghi lễ đặc sắc. Mở đầu lễ hội là lễ Rước kiệu: Rước Kiệu Tam vị Đức Ông từ Đền Trình; Rước Kiệu Thánh Mẫu từ Đền Mẫu; Rước Kiệu của vị thần thờ trong Đình từ Đình Trung; Lễ và dâng hương tại Chùa Tiên. Kiệu được khiêng trên những đôi vai của các nam thanh, nữ tứ dân tộc Mường. Chiếc kiệu được rước trên đôi vai của niềm tin, lòng thành kính và nhiều mong ước của người dân địa phương về mùa màng ấm no, hạnh phúc.
Cùng với những nghi lễ trang nghiêm du khách sẽ được trực tiếp tham gia phần hội, được hòa mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của bà con vùng đất Lạc Thủy mến khách. Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian của người Mường như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh mảng, trình diễn nghệ thuật chiêng Mường, hát dân ca Mường...
Nhiều tiết mục văn hóa mang bản sắc văn hóa dân tộc Mường biểu diễn tại lễ hội Chùa Tiên.
Bắt đầu cuộc du sơn, du thuỷ tham quan vãn cảnh quần thể di tích bằng dâng hương tại đền Trình thờ tam vị đức Thánh ông đã có công khai phá vùng đất Nhượng Lão (nay là thôn Lão Ngoại). Đến đền Mẫu, nơi thờ mẹ - một tín ngưỡng bản địa nguyên thủy của người Việt cổ theo truyền thuyết là người có công khai sinh ra dòng giống. Phía sau ngôi đền là dãy núi với nhiều hang động tuyệt đẹp, phía trước là dòng suối Khốm uốn lượn. Ngay dưới chân Đền là động Mẫu Long (còn gọi là động Mẫu âu Cơ), trong động là nơi ngự của Mẫu âu Cơ với bọc trăm trứng và cánh chim Lạc Việt. Động được chia thành 3 phòng lớn. Đường lên động Tiên có 296 bậc uốn lượn theo dãy núi Tùng Xê. Động Tam Toà có 3 toà động đẹp lung linh huyền ảo, cửa động lộ thiên giữa sườn núi Rộc Đản. Từ cửa động có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Bên trái động Tam Toà là động Linh Sơn Địa Mẫu thờ Địa Mẫu, người tạo ra thế giới này. Bên phải là lối sang động người xưa (Hang Hồ) chứa đựng dấu tích và đồ dùng của người Việt cổ nên được gọi là động người xưa...
Bà con Nhân dân phấn khởi tham dự lễ hội Chùa Tiên.
Năm 2024, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất; giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Lạc Thủy nói riêng cũng như của tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch Chùa Tiên huyện Lạc Thủy năm 2024. Lễ hội Văn hóa - Du lịch Chùa Tiên gồm một số hoạt động chính: Phần Lễ xin mở hội, Phần Lễ Khai hội; thi đấu các môn thể thao dân tộc; Chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian; tổ chức hội chợ xuân (dự kiến 20 gian hàng).
Thu Thủy