Mai Châu có 7 dân tộc cùng sinh sống gồm Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Hoa. Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa truyền thống riêng đã tạo nên sự đa sắc giữa vùng Tây Bắc. Không chỉ nổi tiếng với phong cảnh đẹp, những sản vật, đồ lưu niệm đặc trưng, sự thân thiện nhiệt tình của đồng bào mà Mai Châu còn hấp dẫn với văn hóa ẩm thực phong phú; đặc biệt là có nhiều điểm tiềm năng về du lịch tại xã Hang Kia, Pà Cò, Noong Luông, khu rừng nguyên sinh, rừng già cổ thụ.Lâu nay, nói đến du lịch Mai Châu, Hòa Bình, thường chỉ nhắc tới bản Văn, bản Lác, Pom Coọng, ít ai biết hai xã Hang Kia - Pà Cò cũng là những điểm đến giàu tiềm năng du lịch với thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông được lưu giữ gần như nguyên vẹn.
Hang kia vào mùa hoa mận
Từ trung tâm huyện Mai Châu, di chuyển khoảng 30 km vượt qua ngọn núi cao chừng 1.200 m so với mực nước biển, khách du lịch sẽ đến được xã Pà Cò, đi khoảng 10 km nữa thì đến xã Hang Kia. Hang Kia – Pà Cò từng là "chảo lửa" về trung chuyển ma túynhưng nay cuộc sống nơi đây đã trở lại bình yên. Từ trên cao nhìn xuống, thu gọn vào tầm mắt là mầu xanh mướt của núi rừng, ẩn hiện thấp thoáng những nóc nhà người Mông trong không gian khói sương bảng lảng. Cảnh quan nơi đây luôn gợi cảm hứng cho những tay máy thích săn ảnh. Từ con đường nhỏ ngoằn ngoèo với những khúc cua dốc, hẹp tới những đồi chè, hàng rào đá, đám hoa cải vàng rực ôm trọn không gian trước mỗi hiên nhà. Ði sâu vào bản, thi thoảng lại bắt gặp những người phụ nữ Mông đang cần mẫn thêu thùa, đám trẻ con say sưa cười đùa tinh nghịch. Ngay cả những đống củi chất giữa sân, những làn khói mỏng bay lên từ nóc bếp cũng đủ khiến du khách bỏ lại những ồn ào lo toan phía sau lưng để tận hưởng cảm giác bình yên khác biệt.
Ðến với Hang Kia - Pà Cò, bên cạnh cung đường khám phá bản làng, du khách có thể đặt chân tới những điểm đến còn mang nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ như đồi chè, vườn mận khu Tà Xông A, khu Tà Xồ, Thung A Láng... Dọc những cung đường nối liền các xóm, bản, không nên bỏ qua những điểm cao trên núi là địa điểm lý tưởng để “săn mây”. Ðó là khu Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài hoặc trên núi Sảm Thà có thể phóng tầm mắt ngắm được đỉnh Pù Luông (Thanh Hóa) và đỉnh Pha Luông (Sơn La). Bên cạnh đó, thu hút mong muốn tìm tòi, trải nghiệm của du khách còn là những nét văn hóa, nghề truyền thống rất đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây như nghề dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... Ngoài ra, không thể không nói đến sức hấp dẫn của ẩm thực vùng cao với nhiều sản vật mang phong vị núi rừng như: Rượu ngô, thắng cố, bánh dầy giã tay, mèn mén, cải mèo, gà bản, lợn bản, măng rừng ăn cùng gia vị độc đáo quyện trong mùi mắc khén.
Đường đi vào Hang Kia – Pà Cò
Hang kia – Pà Cò được chia làm hai mùa chủ đạo là mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nhiệt độ trung bình trong năm là 18,50C, không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đồng bào đặc sắc, Hang Kia - Pà Cò chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong nước, quốc tế đến khám phá, trải nghiệm.