DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch dọc sông đà

10/11/2018 12/11/2018

Khách sạn AP PLAZA - Đồng Tiến - Hòa Bình

3097 2

Sáng 10/11, tại thành phố Hòa Bình, Tổng Cục du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch các tuyến, điểm dọc sông Đà" với sự tham gia của lãnh đạo Tổng Cục du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 4 tỉnh Tây Bắc gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và hơn 70 doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí trong toàn quốc.

                                                                                   Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Nhằm khảo sát và đánh giá tiềm năng du lịch, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, bản sắc văn hóa, cảnh quan tự nhiên của các địa phương, từ ngày 5 – 10/11/2018, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch các tuyến, điểm du lịch dọc sông Đà để có cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch, phát huy và khai thác các giá trị du lịch dọc đôi bờ Đà giang. Hầu hết các điểm đến dọc tuyến sông Đà được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa, tâm linh dựa trên lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và còn nguyên sơ; bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống ven sông như dân tộc Mông, Lự, Thái, Dao, Mường còn được lưu giữ; nhiều điểm đến có giá trị về lịch sử và tâm linh như đền Vua Lê Thái Tổ (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), đền Nàng Han - đền Linh Sơn Thủy Từ (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), đền Thác Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Tuy nhiêncác tỉnh hầu như chưa có dịch vụ trên thuyền và ven bờ gắn liền với chuyến đi. Ngoài ra, các tỉnh cũng chưa có được nét riêng tạo dấu ấn cho mình. Bởi vậy, khi đi dọc sông cả trăm kilomet đường sông, du khách không tìm thấy được sự khác biệt giữa các địa phương, dễ gây cảm giác nhàm chán.

Để khác phục những hạn chế trên các đại biểu cho rằng, các địa phương cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, trong đó chú ý đến sự tinh tế, độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương, quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, góp phần đẩy mạnh đưa khách du lịch đến với các tuyến, điểm dọc sông Đà.

Nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của buổi tọa đàm, chia sẻ tại buổi tọa đàm, đồng chí Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình Lưu Huy Linh đã giới thiệu về những tiềm năng, lợi thế của Khu du lịch Hồ Hòa Bình. Tỉnh đang thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động các nguồn lực xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Hòa Bình mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; sự hợp tác của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những đóng góp của các cơ quan thông tin truyền thông, các công ty lữ hành cả nước trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối xây dựng sản phẩm, thiết kế các tua, tuyến du lịch, đưa khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Khu du lịch Hồ Hòa Bình nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Bắc nói chung.

                                                                                                                      P/V:Phạm Tuấn Vũ

Bản đồ

Lịch trình mẫu