DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Thái Mai Châu, Hòa Bình

25/11/2022 825 0

Từ Hà Nội đi Mai Châu chỉ mất hơn ba giờ xe chạy, vượt qua những con đường quanh co, Mai Châu, một thung lũng đẹp như cổ tích nằm bình yên dưới chân núi. Đây là nơi sinh sống của người Thái, người Mường, nhưng đông nhất vẫn là người Thái. Những sắc thái văn hóa đặc sắc hòa quyện với phong cảnh thiên nhiên trù phú tạo nên một Mai Châu hấp dẫn, có sức cuốn hút kỳ lạ.

  

Thung lũng Mai Châu

Khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Mai Châu bị cuốn hút bởi tình đất, tình người ở bản Lác, bản Văn, bản Pom Coọng, bản Nà Phòn, bản Bước..., những dịa danh như Chiềng Châu, Vạn Mai, Bao La, Xăm Khòe đã được đông đảo du khách biết đến. Trong thung lũng trải dài của vùng đất Mai Châu dân tộc Thái với các dòng họ Cầm, Lò, Hà…đã cùng nhau chung sống hòa thuận qua nhiều thế hệ. Theo ông Hà Công Tím, người cao tuổi ở Mai Châu: “Bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm”. Bản Lác cho du khách khám phá, thưởng thức những đặc sản của núi rừng, tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ được thiên nhiên ban tặng với vẻ đẹp hùng vĩ, hiếm có. 

Trong gia đình người Thái, bố mẹ và con cái ít khi to tiếng với nhau. Đứa trẻ sinh ra đã được bố mẹ chăm sóc chu đáo, Nhà có thịt con gà hay con vịt bao giờ cũng dành cái đùi cho các con . Từ năm đến mười tuổi, bố mẹ thường dẫn con đi xem lễ, ăn cưới, con cái được ngồi cạnh, có phần riêng. Trên mười tuổi, các con có quyền gây dựng vốn. Con trai gây vốn bằng cách kiếm cá, lấy gỗ,  làm lương dẫy, săn bắn thú. Con gái đi lấy măng, nhặt quả, dệt vải, chăn nuôi… vốn đó bố mẹ không xâm phạm. 

Trong ngôi nhà sàn của người Thái Mai Châu, mỗi cặp vợ chồng sinh hoạt trong một màn rộng, màu xám thay cho vách ngăn. Hôn nhân của người Thái quy định người con trai phải ở rể một đến ba năm, sau mới chính thức đưa vợ về nhà mình. Quy định đó đã phần nào hạn chế tính gia trưởng, phụ quyền, tạo điều kiện cho người vợ và người chồng hướng tới sự bình đẳng, sống có trách nhiệm với nhau.

   

             Người Thái Mai Châu tập luyện các tiết mục văn nghệ truyền thống phục vụ du khách

Khi khách đến chơi nhà, dù là khách nào chăng nữa hễ đã đến chân cầu thang, cầm gáo ống nứa múc nước rửa chân, gia đình vui mừng lắm, ống nứa rửa chân thường bé, không phải làm thế để tiết kiệm nước, đây là cách hãm chân khách, khách có rửa chân lâu một chút, người trên nhà mới kịp chuẩn bị chu đáo. Khách lên sàn, bà chủ đã vận quần áo đẹp ra đón, chiếu đã trải tinh tươm để chồng mời khách…

Bản của người Thái gồm nhiều nhà sàn dựng liền nhau, nhà nọ gọi nhà kia nghe rõ. Đây là kiểu bố cục để chống thú dữ và giặc cướp vào bản, Bản gồm nhiều dòng họ khác nhau cùng cộng cư sinh sống, có ý thức cộng đồng cao. Các già làng được tôn trọng, có uy lực sai khiến con cháu. Mỗi thành của bản đều chịu sự chăm lo giúp đỡ nhiều các thành viên khác trong bản, vì lẽ đó trong họ xuất hiện tâm lý chịu ơn. Đã chịu ơn phải có trách nhiệm quý trọng, giúp đỡ  trả lại người cùng bản. Xã hội Thái không chấp nhận lối sống chỉ biết có mình, vun vén cho mình, càng không chấp nhận lối sống tự phụ, huênh hoang, vỗ ngực ta đây là người tài, người giỏi. Trong xã hội cổ truyền Thái, mẫu người lý tưởng không phải là bậc hiền nho quân tử của đạo Khổng, càng không phải là mẫu người lắm tiền nhiều của, mà là người chăm việc lo  lắng cho dân trong làng bản, xả thân giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Khiêm nhường là đặc trưng trong giao tiếp của dân bản Thái. Họ không nhận về mình cái hay, cái giỏi cho đó là còn kém, còn phải vươn lên nhiều mới xứng lời khen của mọi người.

Người Thái Mai Châu tình cảm chân thành, mộc mạc, giản dị và luôn hiếu khách. Người dân rất quý trọng con người, không gen gét, không hẹp hòi, không đố kỵ và luôn đoàn kết giúp đỡ gắn bó, đó là truyền thống tốt đẹp của đồng bào Thái đang sinh sống trong thung lũng đẹp như cổ tích mờ sương, thấm đậm tình đất và tình người Mai Châu. Đó cũng là lý do Mai Châu luôn thu hút du khách trong và ngoài nước.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu