DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

an Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc

29/11/2022 740 0

Ngày 17/10/2022, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc Vân Sơn, Quyết Chiến và Ngổ Luông, trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phong cảnh đẹp như tranh ở vùng cao Tân Lạc

Theo đó, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn các xã vùng cao huyện Tân Lạc nói riêng là nhiệm vụ quan trọng cần cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp chung tay đồng hành; phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, tình hình thực tế của địa phương; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực các xã vùng cao huyện Tân Lạc. Xây dựng, quy hoạch hệ thống hạ tầng, lộ trình đầu tư, huy động lồng ghép các nguồn lực để tập trung xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỳ thuật phục vụ du lịch, từng bước hoàn thành điều kiện công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Phát triển du lịch vùng cao huyện Tân Lạc theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhiên, bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, hấp dẫn, trọng tâm là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng; từng bước xây dựng du lịch văn hóa trở thành sản phẩm đặc sắc, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. 

 

Ruộng bậc thang ở vùng cao Tân Lạc

Đến năm 2025: Phấn đấu hoàn thành cơ bản đạt 50% điều kiện để công nhận các xã vùng cao huyện Tân Lạc thành khu du lịch cấp tỉnh. Đón được 50 nghìn lượt khách du lịch (khoảng 5 nghìn lượt khách quốc tế), trong đó có khoảng 30 nghìn lượt khách lưu trú; doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 30 tỷ đồng. Thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, phấn đấu có ít nhất 01 khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 3-5 sao được đưa vào khai thác với quy mô 50 - 60 buồng lưu trú; có khoảng 20 - 30 hộ kinh doanh homestay, cung cấp khoảng 400 - 600 giường ngủ phục vụ khách du lịch. Tạo việc làm cho khoảng 750 lao động địa phương, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 250 người. 

Đến năm 2030: Phấn đấu hoàn thành 100% điều kiện và được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Đón được 115 nghìn khách du lịch (khoảng 15 nghìn lượt khách quốc tế), trong đó khách lưu trú đạt khoảng 70 nghìn lượt; doanh thu xã hội từ du lịch khoảng 100 tỷ đồng. Có từ 3 - 4 khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 3-5 sao với quy mô 150 - 200 buồng lưu trú; có khoảng 40 - 50 hộ kinh doanh homestay, cung cấp khoảng 800 - 1000 giường ngủ phục vụ khách du lịch. Tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động địa phương, trong đó, lao động trực tiếp khoảng 800 người. Du lịch góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân.

   

Một bản dân tộc Mường ở Tân Lạc

Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng xã Vân Sơn trở thành thị trấn của huyện Tân Lạc, là trung tâm tiếp đón và phân phối khách du lịch đến các xã vùng cao và các khu vực lân cận. Du lịch các xã vùng cao trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tích cực cho du lịch huyện Tân Lạc và tỉnh Hòa Bình. Du lịch thực sự mang lại giá trị, lợi ích to lớn cho cộng đồng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Hòa Bình.

Vùng cao huyện Tân Lạc bao gồm 3 xã Vân Sơn, Quyết Chiến và Ngổ Luông, cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía Tây, độ cao so với mực nước biển từ 800-1000m, diện tích tự nhiên trên 12 nghìn ha, dân số 8,7 nghìn người. Là khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao, hệ thống rừng tự nhiên với các loài động, thực vật phong phú; nhiều danh lam thắng cảnh và hang động đẹp được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Động Nam Sơn, hang Núi Kiến; nhiều điếm thăm quan như: Đỉnh Lũng Vân quanh năm mây phủ, ruộng bậc thang Lũng Vân, thác Thung... Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư vùng cao huyện Tân Lạc còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống gắn với bản sắc người Mường như nhà sàn cổ, đồ dùng gia đình, trang phục, thuần phong mỹ tục, lễ hội truyền thống, diễn xướng Mo Mường, dân ca, trò chơi dân gian, ẩm thực... Những tài nguyên trên là tiềm năng để vùng cao huyện Tân Lạc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thăm quan khám phá. Ngoài ra vùng cao Tân Lạc còn có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, với các khu sản xuât nông sản hàng hóa đặc sản của vùng cao như: Đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng rau su su Quyết Chiến, tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết, gà giống bản địa Ngổ Luông, rượu Hượp Lũng Vân... 

Hiện tại, hoạt động du lịch tại khu vực này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, thu nhập từ dịch vụ du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang sạch đẹp; nếp sống, văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách; bản sắc văn hóa, hình ảnh mảnh đất, con người các xã vùng cao được quan tâm quảng bá, lan tỏa; nhiều mặt hàng nông sản được giới thiệu, bán cho khách tham quan; năm 2019, trước thời điểm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ba xã này đã đón hơn 10 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 3 nghìn lượt khách lưu trú, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu