DU LỊCH HÒA BÌNH - NƠI ĐỂ TÂM HỒN LẮNG LẠI

Tỉnh Hoà Bình đi khảo sát, học tập kinh nghiệm về quản lý, thu hút đầu tư tại tỉnh Bình Thuận

06/07/2022 29/07/2022

934 1

Thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình năm 2022. Từ ngày 31/5 đến ngày 01/6/2022, Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh đã tổ chức đi khảo sát, học tập kinh nghiệm về quản lý, thu hút đầu tư tại tỉnh Bình Thuận. 

Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Toàn - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh làm Trưởng đoàn cùng với các đồng chí thành viên là Lãnh đạo của các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài Chính, Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hoà Bình cùng với lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Đoàn công tác thăm Khu di tích Quốc gia Dục Thanh

(Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi cùa Bác Hồ lúc 20 tuổi) dạy học năm 1910, trước khi vào Sài Gòn ra nước ngoài, tìm đường cứu nước).

Tiếp đón và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân dân tỉnh Bình Thuận cùng với một số Sở, Ban, Ngành và Lãnh đạo UBND thành phố Phan Thiết. Tại buổi làm việc hai bên đã trao đổi về công tác xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng sản phẩm, thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận có bờ biển dài 192km, nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên cấp Quốc Gia như: Núi Ông, núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý, Cù Lao Câu đa dạng sinh học; có cảnh quan đặc trưng nổi tiếng như: Đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, Mũi Kê Gà, suối khoáng nóng Vĩnh Hảo, Đa Kai, .... Ngoài ra, còn có tài nguyên nhân văn đa dạng, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng như: tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, Dinh Thầy Thím, Cổ Thạch Tự ... Ngoài nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn với biển, đảo và rừng tự nhiên và di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống với kỹ năng độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng 34 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen đã tạo cho Bình Thuận sức hấp dẫn về du lịch. 

Đoàn thăm dự án Novaworld Phan Thiết

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Bình Thuận đã tận dụng những lợi thế về nắng, gió, đồi cát, bãi biển đẹp, văn hóa đa dạng, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống,…để phát triển thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận gắn với các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng của mình. Đã tổ chức thành công các sự kiện mang tầm quốc tế, quốc gia như: Giải lướt Ván buồm Cúp thế giới PWA, Festival Thuyền Buồm quốc tế, Chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, … 

Hiện tại Bình Thuận thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo các quy định của Trung ương. Tuy nhiên, để kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển du lịch phù hợp với điều kiện và đặc điểm của tỉnh. Bình Thuận đã triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; loại bỏ các TTHC chồng chéo như: cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện; cấp quyết định chủ trương đầu tư; chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng….để giải quyết công việc cho các doanh nghiệp nhanh gọn, kịp thời. Tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù,… Toàn tỉnh hiện có 592 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 17.433 phòng, chưa tính khoảng gần 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch. trên địa bàn toàn tỉnh có 383 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.123 ha và tổng vốn đầu tư 68.831 tỷ đồng; trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với với tổng diện tích đất cấp 1.590 ha và tổng vốn đầu tư là 11.231 tỷ đồng. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 188 dự án.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Thuận đã tích cực đẩy mạnh việc xúc tiến xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né; Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận; Kế hoạch tổ chức triển khai lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt, Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Sắp tới, tỉnh sẽ xây dựng Đề án thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo hướng dẫn của Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ Quy định Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh, quyết tâm xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, chinh phục thiên nhiên, mạo hiểm; du lịch cộng đồng; Du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe…

Qua thực tế chuyến đi và có thể nhận thấy rằng tỉnh Hòa Bình có thể học tập về một số lĩnh vực như: Xây dựng và ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; công tác xây dựng sản phẩm; xúc tiến đầu tư du lịch... Vì vậy, trong thời gian tới, đoàn công tác sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình triển những nội dung trên để nâng cao hiệu quả về công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Kết thúc buổi làm việc, đoàn đã đi khảo sát một số điểm du lịch đang thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế của tỉnh. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh đã hoàn thành chuyến đi công tác và trở về Hoà Bình theo đúng kế hoạch đề ra./.

Bản đồ

Lịch trình mẫu